Đăng tải ngày 30 tháng 6 năm 2022 – Tác giả: Phan Thị Nhung, Cán bộ Chương trình Tác động tập thể, Dự án Giảm thiểu Ô nhiễm do USAID tài trợ tại Việt Nam.
Trước khi quyết tâm theo đuổi tấm bằng Thạc sỹ Biến đổi khí hậu của Đại học Quốc Gia Hà Nội vào năm 2020, tôi đã có trên 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực môi trường. Ngần ấy thời gian làm việc, dù có đôi lúc gián đoạn với một vài dự án về y tế, giáo dục hay du lịch, tôi nhận ra rằng môi trường với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm vẫn mang lại cho tôi nhiều cảm xúc và hào hứng hơn cả. Cuối năm 2021, tôi lại có cơ duyên được làm việc cho Dự án Giảm thiểu Ô nhiễm do USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ) tài trợ, được thực hiện bởi Tổ chức Winrock International trong 5 năm (2021-2026) nhằm thúc đẩy các sáng kiến địa phương và tăng cường năng lực cho các tổ chức, mạng lưới địa phương trong việc giải quyết các thách thức ô nhiễm môi trường như quản lý chất thải hay rác thải nhựa, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, v.v thông qua phương pháp tác động tập thể.
“Tác động tập thể”, cụm từ nghe có vẻ quen mà lạ! Quen vì tôi vẫn thường nghe nhiều lắm những khẩu hiệu như “Chung tay bảo vệ môi trường”, “Cùng liên kết chống lại biến đổi khí hậu”, và tôi hiểu rằng nếu mỗi tổ chức, mỗi cá nhân cùng nhau hành động, cùng nhau cố gắng sẽ giúp đạt được mục tiêu chung. Lạ vì chỉ đến khi tham gia dự án Giảm thiểu ô nhiễm, tôi mới biết có một phương pháp “Tác động tập thể” cho các hành động chung tay, liên kết hay cùng nhau đó. Tôi bắt đầu tìm hiểu và nhận ra phương pháp tác động tập thể được chính thức xây dựng và công bố lần đầu tiên vào năm 2011 trong Báo cáo Đánh giá đổi mới xã hội Standford của Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard. Theo đó, cụm từ “Tác động tập thể” được định nghĩa là “Một cách tiếp cận có hệ thống giúp liên kết các đối tác khác nhau trong xã hội nhằm giải quyết một vấn đề phức tạp mà một cá nhân không thể xử lý”. Dễ hiểu hơn, tác động tập thể chính là nỗ lực gắn kết những hoạt động riêng lẻ từ các cá nhân và/hoặc tổ chức khác nhau để cùng đạt được một mục tiêu chung, một kết quả chung.
Một điều thú vị khi tôi tìm đọc lại bản Đề xuất ý tưởng thuộc Chương trình Hỗ trợ về sức khỏe môi trường của USAID mà tôi chuẩn bị cách đây hai năm trước khi biết đến phương pháp tác động tập thể, khá nhiều cụm từ như “collective actions” (hành động tập thể), “collective activities” (hoạt động chung), “collective network of local actors” (mạng lưới các đối tác địa phương) đã được sử dụng với cách tiếp cận tương tự như cách chúng tôi đang làm với Dự án Giảm thiểu Ô nhiễm. Tôi chợt nhận ra rằng, xưa nay, tôi và các cán bộ ở nhiều tổ chức phi chính phủ Việt Nam vẫn đã và đang sử dụng phương pháp tác động tập thể trong xây dựng các đề xuất và kế hoạch Dự án thông qua việc huy động các bên liên quan từ trung ương đến địa phương, từ chính phủ đến doanh nghiệp và cộng đồng mà không thực sự biết đến sự tồn tại cũng như hiểu rõ về phương pháp này. Có lẽ đó là lý do vì sao các Dự án tại Việt Nam, dù rất thành công trong việc thiết lập và tạo ra sự hợp tác, liên kết giữa các bên liên quan nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp tục duy trì hoạt động sau khi kết thúc dự án.
Hiểu và áp dụng Phương pháp tác động tập thể một cách hệ thống sẽ giúp ích rất nhiều cho các Chương trình và Dự án tại Việt Nam nói chung và các sáng kiến giảm thiểu ô nhiễm nói riêng. Do vậy, trong năm năm tới, năm nhân tố chính của phương pháp này sẽ được Dự án Giảm thiểu ô nhiễm vận dụng trong làm việc với các đối tác và tổ chức địa phương để cùng xây dựng một Chương trình hành động chung, sử dụng một Phương pháp đo lường thống nhất, thiết lập các Hoạt động hỗ trợ lẫn nhau, duy trì Thông tin liên tục và chú trọng Phát triển năng lực của tổ chức nòng cốt nhằm tạo nên một tác động tập thể về giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong dài hạn.
Với mong muốn mang đến những tác động giảm thiểu rõ rệt và có thể đo đếm được, dự án Giảm thiểu Ô nhiễm đang xem xét một cách cẩn trọng các thách thức ô nhiễm tại Việt Nam nhằm xác định các vấn đề trọng điểm có khả năng giải quyết trong khuôn khổ dự án thông qua các sáng kiến tác động tập thể. Theo đó, mỗi sáng kiến sẽ được dẫn dắt bởi một tổ chức địa phương mà chúng tôi gọi là “Tổ chức nòng cốt” nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm, đồng thời thiết lập mạng lưới liên kết các bên liên quan từ cộng đồng, chính quyền địa phương và khu vực tư nhân để cùng nhau xác định và thực hiện các giải pháp cho thách thức ô nhiễm.
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường là một hành trình dài và gian nan, vốn dĩ không thể mang lại một tác động thực chất và bền vững nếu chỉ dựa vào nỗ lực của một cá nhân. Vậy nên, những người bạn của tôi, dù bạn đã hiểu hay chưa thực sự hiểu về phương pháp tác động tập thể, dù bạn đã từng có trải nghiệm trong hoạt động giảm thiểu ô nhiễm hay chưa từng bắt đầu, HÃY THAM GIA CÙNG CHÚNG TÔI. Chúng tôi cần các bạn để cùng nhau đi xa hơn trên chặng đường giảm thiểu ô nhiễm tại Việt Nam, bởi lẽ chúng tôi hiểu rằng “Hành động cùng nhau, Ô nhiễm giảm mau”!
Phan Thị Nhung, Cán bộ Chương trình Tác động tập thể, Dự án Giảm thiểu Ô nhiễm do USAID tài trợ, từng đảm nhiệm vị trí Phó Ban Phát triển Dự án, Viện Quản lý và Phát triển Châu Á; Điều phối viên Dự án Quản lý Ô nhiễm công nghiệp Việt Nam (Hợp phần “Tăng cường thể chế và thực thi”, Tổng cục Môi trường Việt Nam); Cán bộ Hợp tác quốc tế, Trung tâm Quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường Việt Nam.